Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cao Bằng: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

10/04/2023 | 09:03

Cao Bằng là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, có nhiều dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc đều có những di sản văn hóa riêng, tạo nên bức tranh văn hóa phong phú và độc đáo, trải qua suốt chiều dài lịch sử, các dân tộc luôn phát huy được những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Trong những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt.

Cao Bằng: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch - Ảnh 1.

Di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam (trong đó có nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng) được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh P.V

Để phát huy giá trị văn hóa truyền thống, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, đề án, văn bản có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng con người, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 6 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng; Lễ hội Nàng Hai (xã Tiên Thành), nghề rèn của người Nùng An (xã Phúc Sen), Lễ hội tranh đầu pháo thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa); Lượn cọi dân tộc Tày (Bảo Lâm); Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục người Dao Đỏ, xã Vũ Minh (Nguyên Bình). Đặc biệt, Di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam (trong đó có nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng) được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Năm 2023, hoàn thiện hồ sơ di sản “Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày, xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng” trình UBND tỉnh xem xét, trình Bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Toàn tỉnh hiện có 23 nghệ nhân ưu tú, 1 nghệ nhân nhân dân đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thường xuyên được quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện thông qua các chương trình, đề tài, đề án, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, như: Đề tài “Nghiên cứu, phục dựng đám cưới dân tộc Dao Đỏ tỉnh Cao Bằng”, “Khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ Thuổn Puôn của người Sán Chỉ ở Cao Bằng”, “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị dân ca dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao tỉnh Cao Bằng”, “Nghi lễ đám cưới của người Lô Lô trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”, “Đền, chùa, miếu Cao Bằng”, “Văn bia Cao Bằng qua các triều đại”, “Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa người Lô Lô đen tỉnh Cao Bằng”, Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2030... Kết quả của những đề tài nghiên cứu khoa học, đề án, dự án có giá trị đã được áp dụng, phục vụ có hiệu quả trong lĩnh vực chuyên môn và cung cấp tư liệu nghiên cứu cho một số ngành liên quan như: dân tộc học, mỹ học, văn hóa, lịch sử...; là cơ sở định hướng cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên hiện nay, trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sự hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ trên các lĩnh vực, các yếu tố văn hóa ngoại lai ảnh hưởng rất lớn đến giá trị văn hóa truyền thống. Các giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh đang dần bị xói mòn và bị ảnh hưởng bởi lối sống hiện đại, giao thoa văn hóa mạnh mẽ giữa các dân tộc, một số văn hóa phi vật thể của các dân tộc đang có nguy cơ mai một, như: tiếng nói, chữ viết, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, nhà ở, trang phục và những tri thức dân gian khác...

Nhiều di sản văn hóa phi vật thể chưa thực sự được quan tâm; công tác tuyên truyền, quảng bá, đầu tư để bảo tồn và phát huy còn hạn chế; nhiều yếu tố gốc trong các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một hoặc bị ảnh hưởng trong nền kinh tế thị trường; công tác truyền dạy về các di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc, đặc biệt là trong hệ thống các trường học chưa thật sự được chú trọng. Những nghệ nhân am hiểu sâu sắc và nắm giữ các di sản đang giảm dần và đang đứng trước nguy cơ bị thất truyền nếu không có các biện pháp bảo tồn. Hầu hết những di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc chưa trở thành sản phẩm du lịch hoặc cũng chưa có khả năng khai thác để trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay, có ý nghĩa trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đồng thời là phương tiện để giới thiệu, quảng bá về hình ảnh, vùng đất, con người Cao Bằng đến du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt là việc đề xuất các giải pháp gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Hiện nay, toàn tỉnh có 214 di tích, trong đó có 98 di tích đã được xếp hạng (3 di tích quốc gia đặc biệt, 25 di tích cấp quốc gia, 70 di tích cấp tỉnh); 2 bảo vật quốc gia (đôi chuông chùa Viên Minh, đền Quan Triều, xã Hưng Đạo, Thành phố và Bia Ma nhai Ngự chế của vua Lê Thái Tổ, xã Bình Long, nay là xã Hồng Việt, Hòa An). Tổng số hiện vật tại kho cơ sở Bảo tàng tỉnh có 16.968 đơn vị hiện vật.

Theo Báo Cao Bằng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×