Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cần Thơ: Tổng kết 15 năm thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

28/07/2016 | 14:57

Ngày 26/7, tại thành phố Cần Thơ, Sở VHTTDL tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đồng chí Lê Văn Tâm Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố, Trưởng ban chỉ đạo phong trào dự và chỉ đạo Hội nghị.

15 năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai tổ chức rộng khắp và có bước phát triển mạnh. Phong trào đã góp phần làm thay đổi diện mạo của cả nông thôn và thành thị, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Cần Thơ được nâng cao, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững…

Đến nay, toàn thành phố có trên 97% ấp khu vực, 70% xã phường thị trấn và trên 93% gia đình đạt chuẩn văn hóa, gần 97% cơ quan đơn vị đăng ký xây dựng danh hiệu này. Thành quả đáng ghi nhận trong 15 năm thực hiện phong trào là các thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư xây dựng và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng được duy trì và phát triển.

Tuy nhiên nhìn lại 15 năm thực hiện phong trào cũng còn một số tồn tại cần khắc phục, đó là thiếu sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương sau khi đạt chuẩn văn hóa, cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở luôn thiếu và biến động, công tác bình xét các danh hiệu văn hóa một số nơi còn thiếu chặt chẽ.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Lê Văn Tâm đề nghị các sở, ngành trên địa bàn thành phố trong thời gian tới chú trọng hơn nữa công tác xây dựng nông thôn mới; khôi phục và đầu tư xây dựng các mô hình làng nghề truyền thống, làng văn hóa dân tộc, cơ sở văn hóa; tuyên truyền và đẩy mạnh các phong trào “Gia đình văn hóa”, “Người tốt, việc tốt”, “5 không, 3 sạch”… Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, các địa phương cần có thêm sáng kiến mới, cách làm hay bên cạnh những hoạt động truyền thống; tránh các phong trào chung chung, hình thức; tập trung các nguồn lực xã hội hóa để nâng cấp đường giao thông nông thôn, tạo các cơ hội việc làm cho người lao động, hỗ trợ nông dân tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi… Các mô hình làng nghề truyền thống cũng cần được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ để phát triển kết hợp với phát triển du lịch; cần có sự hỗ trợ để người dân đưa khoa học kỹ thuật vào phát triển các mặt hàng thủ công theo mô hình phục vụ du lịch. Có như vậy mới nâng giá trị hàng thủ công của các làng nghề truyền thống, giúp người dân bản địa an tâm với thu nhập, không bỏ làng, bỏ nghề đi kiếm kế sinh nhai ở nơi khác.

Lan Phạm (Tổng hợp)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×