Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cà Mau: Cương quyết xây dựng đời sống văn hóa đúng ý nghĩa

21/03/2010 | 22:15

Trong thời gian qua, Sở VHTTDL tỉnh Cà Mau phối hợp Ban chỉ đạo (BCĐ) xây dựng phong trào ‘Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã rút danh hiệu của 991 “Gia đình văn hóa” và danh hiệu “đạt chuẩn văn hóa” của nhiều khóm, ấp.

Đây là động thái cần thiết, được dư luận đồng tình ủng hộ, thể hiện sự mạnh dạn, cương quyết của ngành văn hóa tỉnh Cà Mau dám “nói không với bệnh thành tích”. P.V báo Văn hóa đã phỏng vấn ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở VHTTDL Cà Mau về vấn đề này.

Xin ông vui lòng cho biết Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” của địa phương trong những năm qua?

- Ông Lê Anh Tuấn: Từ mô hình xây dựng và công nhận gia đình đạt chuẩn văn hoá đến xây dựng ấp văn hoá đầu tiên của tỉnh năm 1996 (ấp 7, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình), cuộc vận động đã nhanh chóng lan toả, lôi cuốn rộng rãi các lực lượng chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia.

Từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn đều thành lập Ban chỉ đạo phong trào; tại từng ấp, khóm đã thành lập Ban chủ nhiệm (nay là Ban vận động) với sự tham gia của đại diện cấp uỷ Đảng, chính quyền các ban, ngành, đoàn thể.

Xây dựng đời sống văn hóa đã trở thành nội dung công tác quan trọng trong hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội, từng bước đưa văn hóa ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn và phát huy sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của từng địa bàn dân cư trong toàn tỉnh.

Về mặt số liệu, tính đến nay, toàn tỉnh có 225.950/261.133 hộ được công nhận gia đình đạt chuẩn văn hoá đạt 86,46%; trong đó có 51.794 GĐVH tiêu biểu; 736/888 khóm, ấp được công nhận văn hoá, đạt 82,88%; 43/101 xã, phường đạt chuẩn văn hoá, đạt 42,57%. Tỉnh Cà Mau đã chọn thành phố Cà Mau và huyện Thới Bình để xây dựng đề án văn hóa điểm  nông thôn và đô thị đến năm 2010.

Kết quả qua hơn 6 năm thực hiện, hai đề án được đánh giá cao về tính khả thi và các giải pháp thực hiện. Kết quả tính đến nay thành phố Cà Mau đã công nhận 13/17 xã, phường đạt chuẩn văn hóa, chiếm tỷ lệ 76,47%; huyện Thới Bình có 6/10 xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa, chiếm tỷ lệ 60%.

Kết quả cuộc vận động đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, xuất sắc. Nhiều hộ gia đình gìn giữ được nề nếp gia phong, lấy đạo đức truyền thống gia đình để răn dạy con cháu, người lớn là tấm gương mẫu mực trong gia đình, dòng họ và trong khóm, ấp; nhiều tấm gương vượt khó, vươn lên thóat cảnh đói nghèo nhờ chí thú làm ăn, có ý thức tích lũy, tiết kiệm; có những gia đình hòa thuận, hạnh phúc, là trung tâm đòan kết của khóm ấp, thắt chặt tình làng nghĩa xóm…

Trước đây, khi trao danh hiệu văn hóa cho các gia đình và các khóm, ấp, đơn vị đạt chuẩn văn hóa theo quy trình có chặt chẽ không, thưa ông ?

Ngay từ khi cuộc vận động được phát động, Ban chỉ đạo tỉnh đã có nhiều văn bản hướng dẫn về qui trình phát động đăng ký, công tác kiểm tra rà soát và tổ chức bình chọn xét công nhận. Đây là việc làm đã được sự quan tâm giám sát của các cấp, các ngành từ cơ sở đến tỉnh và cả cộng đồng dân cư.

Bước đầu là tổ chức họp dân phát động đăng ký (có phiếu đăng ký); sau thời gian thực hiện các tiêu chuẩn, Ban vận động khóm, ấp sẽ tổ chức họp dân lấy ý kiến, bình nghị (đối chiếu với các tiêu chuẩn đã xây dựng) để lập danh sách đề nghị Ban chỉ đạo xã, phường, thị trấn công nhận; trên cơ sở danh sách đề nghị của Ban vận động ấp, khóm, Ban chỉ đạo xã, phường, thị trấn sẽ tiến hành khảo sát, kiểm tra và quyết định công nhận những hộ gia đình đạt chuẩn văn hoá. Đối với các hộ gia đình được công nhận gia đình văn hoá tiêu biểu phải có những điểm vượt trội về sự gương mẩu trong chấp hành nghĩa vụ công dân, có sự tham gia tích cực trong các phong trào hành động do cơ sở phát động, được cộng đồng dân cư và chính quyền tín nhiệm cao.

Về ấp, khóm đạt chuẩn văn hoá cũng được xem xét theo các tiêu chuẩn và qui trình hướng dẫn, trong đó nhất thiết phải có từ 80% hộ gia đình đạt chuẩn văn hoá, phải có trụ sở làm nơi sinh hoạt văn hoá và làm việc của hệ thống chính trị, có điểm sinh hoạt thể thao, có mỹ quan môi trường, tình hình an ninh trật tự ổn định…  Ban chỉ đạo cấp xã đề nghị và được Ban chỉ đạo cấp huyện kiểm tra, khảo sát công nhận.

Căn cứ vào “triệu chứng” nào Ban chỉ đạo tiến hành rà soát, kiểm tra các đơn vị, gia đình để rút danh hiệu văn hoá?

Đây là việc làm đã được thực hiện trong các năm qua và được xem xét thông qua kế hoạch kiểm tra định kỳ hàng năm về nâng chất các danh hiệu đạt chuẩn văn hoá cũng như theo đề nghị của cơ sở. Trách nhiệm của từng cấp trong tỉnh theo thẩm quyền khi được báo cáo, phản ánh của nhân dân, của Ban vận động và Ban chỉ đạo hay qua kiểm tra định kỳ sẽ tiến hành thẩm tra và quyết định việc rút danh hiệu. Việc rút danh hiệu cũng được thực hiện theo qui trình thể hiện tính công khai, dân chủ.  

 Các gia đình, đơn vị bị thu hồi danh hiệu văn hoá thường tập trung vào những lỗi vi phạm nào?

- Hầu hết việc phải quyết định thu hồi danh hiệu văn hoá của các gia đình, đơn vị đều vi phạm những qui định về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội. Nếu gia đình có thành viên gây rối trật tự công cộng đến mức phải bị xử phạt vi phạm hành chính hay tham gia vào các tệ nạn như: cờ bạc, số đề, sử dụng chất ma tuý, mại dâm… hoặc tại địa bàn để xảy ra vụ án hình sự nghiêm trọng nhưng chậm khắc phục thì phải được xem xét quyết định thu hồi danh hiệu văn hoá.

Việc cương quyết, mạnh dạn thu hồi danh hiệu văn hoá ảnh hưởng đến thành tích của địa phương, như vậy việc thống nhất chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và ngành như thế nào? Quá trình thu hồi gặp khó khăn trở ngại gì?

- Nếu nói về mặt số lượng, thì Cà Mau là một trong các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ gia đình; ấp, khóm; xã, phường đạt chuẩn văn hoá khá cao. Tuy nhiên thực tế giữa số lượng và chất lượng chưa tương đồng, kém bền vững, mà cốt lõi của cuộc vận động là nhằm tạo ra một đời sống văn hoá lành mạnh, tiến bộ, văn minh hay đúng nghĩa là xây dựng, tạo nên một nếp sống, lối sống tốt đẹp.

Cà Mau tổ chức Ngày hội những Gia đình tiêu biểu xuất sắc

Hơn nữa, việc công nhận đạt chuẩn văn hóa là công nhận ở mức độ tiến bộ và có tính tương đối, vẫn còn một tỷ lệ nhất định cần phải tiếp tục phấn đấu, bên cạnh sự vận động của xã hội tất yếu sẽ phát sinh những vấn đề tích cực và tiêu cực cần phải được thường xuyên xem xét, điều chỉnh hoặc phát huy.

Chính vì thế chất lượng mới là thước đo của cuộc vận động. Với ý nghĩa và nhận thức đó, hàng năm Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Ban chỉ đạo các cấp đều có sự chỉ đạo tập trung phát triển, phát huy cuộc vận động gắn với nâng cao chất lượng các danh hiệu thông qua Nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác. Sở VHTTDL- Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh cũng đã có văn bản hướng dẫn, tổ chức kiểm tra, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ cơ sở để nâng cao chất lượng phong trào.

Để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thực sự đi vào cuộc sống và danh hiệu văn hóa được trao đúng thực chất, Sở có biện pháp gì trong thời gian tới?

 Với vai trò Thường trực Ban chỉ đạo của tỉnh, Sở VHTTDL đã có kế hoạch thực hiện trong năm 2010, trong đó một số giải pháp cần quan tâm tổ chức thực hiện là:

1. Quan tâm đến xây dựng các thiết chế sinh hoạt văn hoá, nhất là công tác đầu tư xây dựng các thiết chế mang tính trọng yếu như: Bảo tàng, Thư viện, Trung tâm văn hoá - thể thao... những thiết chế này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Đây là điều kiện cần thiết để tổ chức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong đó tổ chức các nội dung hoạt động văn hóa thể thao, vui chơi, giải trí cho nhân dân ở cơ sở theo sự chỉ đạo và định  hướng của Nhà nước với các nhiệm vụ: thông tin, tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cho nhân dân; hướng dẫn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, giữ gìn khai thác và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc…

2. Để xây dựng đời sống văn hóa có tính bền vững cần tính đến việc hình thành nên các yếu tố văn hoá gia đình. Xây dựng, phát huy và nhân rộng những gương sáng từ các gia đình văn hoá tiêu biểu. Đó là những tấm gương, những điển hình ở cộng đồng dân cư về phấn đấu thực hiện các tiêu chí gia đình no ấm, bình đằng, hòa thuận tiến bộ, hạnh phúc, đồng thời đây cũng là những nhân tố tích cực, quan trọng trong việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc trước các tác động của văn hóa độc hại. Thực chất, các gia đình văn hoá là cơ sở nền tảng cho việc xây dựng thành công ấp, khóm, làng văn hóa, khu phố, đơn vị văn hóa
3. Chú trọng nâng cao chất lượng danh hiệu đạt chuẩn văn hóa, xem đây là thước đo kết quả thực hiện. Cần xác định, phân tích rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan để có sự tập trung khắc phục.

Đó là sự khó khăn về đời sống kinh tế (tình trạng tôm chết hàng loạt, kéo dài; năng suất cây trồng vật nuôi giảm; giá cả thị trường diễn biến phức tạp; khủng hoảng kinh tế…); sự diễn biến phức tạp của đời sống văn hoá – xã hội trong bối cảnh hội nhập (internet, game online, các loại băng đĩa, sách báo có nội dung không lành mạnh; các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan có chiều hướng trổi dậy; tình trạng xuống cấp về đạo đức trong một bộ phận thanh thiếu niên…).

Đó là công tác tuyên truyền, vận động thiếu thường xuyên; sự buông lỏng, tâm lý thoả mản của một số Ban chỉ đạo, Ban vận động các cấp đã làm phong trào lắng đọng; công tác kiểm tra, chấn chỉnh, nâng chất chưa được quan tâm đúng mức; sự phối kết hợp của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể chưa đồng bộ…

4. Tạo cơ chế phối hợp trong mọi hoạt động, phát huy các nguồn lực của xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc vận động. Khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ, rời rạc, mất tập trung trong công tác phối hợp giữa trên và dưới, giữa các đơn vị đồng cấp và giữa các bộ phận chuyên môn.

Củng cố mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể trong việc chỉ đạo hướng dẫn, tổ chức thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng xã hội, coi trọng vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội ở địa phương. Tranh thủ nguồn lực của khối đại đoàn kết toàn dân trong việc đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức xã hội, cá nhân tham gia vào các hoạt động của đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo thêm các nguồn kinh phí cho việc tổ chức củng cố xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao, giữ gìn tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa và các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng…

(Theo vanhoaonline)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×