Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bộ VHTTDL báo cáo chuyên đề xây dựng đời sống văn hoá và môi trường nông thôn mới

07/02/2012 | 01:00

(VP) - Thực hiện Kế hoạch số 49-KH/BCĐNTM ngày 15/8/2011 về “Tổng kết Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới giai đoạn 2009-2011”. Ngày 09/01, Bộ VHTTDL đã có văn bản báo cáo chuyên đề về xây dựng đời sống văn hoá và môi trường nông thôn mới.

Theo đó, kết quả sau 3 năm thực hiện tiêu chí về văn hoá và môi trường, đã có 5/11 xã đã xây dựng Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã (đạt 45%); 92/130 thôn, ấp, bản xây dựng được Nhà Văn hóa-Khu thể thao thôn (đạt tỷ lệ 70%); 37/130 thôn, ấp, bản có khu thể thao (đạt tỷ lệ 28,5%). Trong đó, trên 2/3 số Nhà Văn hóa-Khu thể thao thôn hoạt động ổn định, thường xuyên thu hút được đông đảo người dân ở cộng đồng tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao.

Về xây dựng thôn, ấp, bản văn hóa, tính đến tháng 10/2011, tại 11 xã điểm đã có 81/130 thôn, ấp, bản được công nhận danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, và tương đương (đạt tỷ lệ 62%). Việc xây dựng thôn, ấp văn hóa đã trực tiếp thực hiện nhiều tiêu chí về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại 11 xã điểm.

Về thực hiện các tiêu chí về môi trường: 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới đã có nhiều mô hình, biện pháp, cách làm có hiệu quả thực hiện tiêu chí về vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan môi trường nông thôn mới. Trong đó số hộ sử dụng nước sạch tại 11 xã điểm, đạt tỷ lệ trên 95% (tăng 30% so với năm 2008); đồng thời có 96/130 thôn thành lập Tổ vệ sinh, thường xuyên quét dọn vệ sinh, thu gom rác thải về nơi xử lý tập trung của xã; 70% số hộ có đủ công trình vệ sinh (tăng gần 30% so với năm 2008)…

Hoạt động tuyên truyền, phổ biến và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, góp phần gia tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và “Xóa đói giảm nghèo” bền vững ở 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới. Phát huy truyền thống văn hóa, đạo lý “Tương thân, tương ái” của dân tộc, các xã điểm đã huy động mọi nguồn lực giúp nhau “Xóa đói giảm nghèo”. Trong phong trào “Đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế” đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác phát triển kinh tế có hiệu quả.

Về xây dựng và phát triển phong trào văn hóa, thể thao ở nông thôn 11 xã điểm: trên 60% số thôn có đội văn nghệ quần chúng, hoạt động vào các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc. Trên 25% số người dân tham gia vào các hoạt động tập luyện thể thao thường xuyên; Bộ VHTTDL đã phối hợp với các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình xây dựng thí điểm nông thôn mới và địa phương 11 xã điểm, tổ chức tốt Liên hoan văn nghệ và thi đấu thể thao quần chúng 11 xã điểm tại xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam năm 2011, khẳng định tiểm năng, nhu cầu hoạt động văn hóa, thể thao và cổ vũ kết quả xây dựng nông thôn mới của 11 xã điểm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa thực hiện còn chậm, đa số vẫn sử dụng cơ sở cũ, chất lượng về tổ chức và hoạt động còn yếu; 38% xã chưa đạt tiêu chí 70% thôn được công nhận “Thôn văn hóa”, đồng thời mục tiêu xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa-xã hội lành mạnh, phong phú giàu bản sắc văn hóa dân tộc, chưa được thể hiện trong Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, nên việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện còn hạn chế.

Do đó, mục tiêu và giải pháp xây dựng đời sống văn hoá và môi trường nông thôn mới trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các tiêu chí về văn hóa và môi trường trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới; triển khai xây dựng và công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, với 05 tiêu chuẩn theo quy định tại Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 16/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, cụ thể hóa thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010-2020”; nâng cao chất lượng, hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tăng cường tổ chức, hướng dẫn các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và vui chơi giải trí trên địa bàn nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Ban vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ở các cấp...

Đồng thời, phát huy sáng tạo của quần chúng nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa và môi trường nông thôn mới và tăng cường các hình thức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao nhận thức, năng lực của công chức văn hóa-xã hội xã, cán bộ Hội nông dân xã và thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã; tiếp tục thực hiện các tiêu chí chưa đạt, củng cố nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được về văn hóa tại 11 xã điểm nông thôn mới trong thời gian tới.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tuyên truyền, giáo dục, xây dựng người nông dân Việt Nam trong giai đoạn mới; có ý chí vươn lên, thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu; áp dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất; phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hội nhập quốc tế; có tinh thần tương thân, tương ái; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

HCTC
(Nguồn Báo cáo số 03/BC-BVHTTDL)


Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×