Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh kiểm tra đột xuất công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại Bắc Ninh

17/03/2015 | 09:13

Đó là lưu ý của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khi đề cập đến những vấn đề “nóng” trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. “Trước những dư luận đa chiều, đề nghị lãnh đạo địa phương tiếp thu một cách có chọn lọc để tuyên truyền, vận động, khuyến cáo cộng đồng - chủ thể của lễ hội hiểu rõ và gạn lọc, loại bỏ những tập tục cũ, phản cảm, không phù hợp với cuộc sống đương đại. Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu ý không cứng nhắc, để những tư duy, biện pháp quản lý hành chính “đẩy” cộng đồng đến sự phản ứng một cách cực đoan...”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh.

Không còn là câu chuyện riêng của một làng

Trước nhiều diễn biến trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2015, ngày 13/3, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cùng đoàn công tác của Bộ VHTTDL tiếp tục kiểm tra đột xuất các di tích trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; đồng thời trao đổi với lãnh đạo tỉnh về những quan điểm, chủ trương quản lý liên quan đến một số vấn đề gây tranh cãi từ đầu mùa lễ hội năm nay.

Về một số tập tục, hình ảnh phản cảm gây tranh cãi ở lễ hội làng Ném Thượng, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thẳng thắn: “Trong cuộc sống hiện đại, không thể phủ nhận tác động nhanh chóng của truyền thông qua Internet. Từ một lễ hội truyền thống của một làng nhỏ, những hình ảnh “chém lợn” gần như đã trở thành một điểm nóng trên báo chí, trong dư luận mùa lễ hội năm nay. Điều đó cũng có nghĩa, những hình ảnh về các tập tục gây phản cảm đó đã vượt qua ranh giới địa lý của làng Ném Thượng, vô hình trung tạo nên một góc nhìn, một suy diễn không tốt về diện mạo của văn hóa, của truyền thống VN đối với đông đảo công chúng trong và ngoài nước...”.

 
Kiểm tra khu vực dịch vụ đền Bà Chúa Kho
Bộ trưởng nhấn mạnh: Trong "thế giới phẳng" hiện nay, cộng đồng làng Ném Thượng phải đặt hình ảnh làng mình trong hình ảnh của cả địa phương, cả tỉnh và trong hình ảnh của cả quốc gia. Đó phải là những hình ảnh về sự thân thiện, mến khách... chứ không phải là những hình ảnh gây phản cảm như thế. Đây không còn là câu chuyện riêng của một làng nữa. Tôi tin người dân Ném Thượng sẽ ủng hộ điều đó.

Cũng theo Bộ trưởng, điều 25 Luật Di sản văn hóa nêu rõ, Nhà nước tạo điều kiện duy trì và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống, tuy nhiên việc phục dựng nghi thức lễ hội truyền thống phải có chọn lọc. Đối chiếu với lễ hội ở làng Ném Thượng thì những hình ảnh “chém lợn” là những tập tục, giá trị cũ không còn phù hợp với cuộc sống đương đại, cần phải xem xét lại khi thực hiện trước đông đảo người xem.

Về vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Hữu Quất, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh cũng thẳng thắn cho biết: Từ hai mùa lễ hội năm 2013, 2014, tỉnh đã vận động và chỉ đạo các bộ phận chức năng của địa phương vào cuộc để cộng đồng người dân không thực hiện nghi lễ “chém lợn” ở sân đình và người dân làng Ném Thượng đã làm đúng như vậy.

Tuy nhiên, trước mùa lễ hội 2015, khi Tổ chức Động vật châu Á lên tiếng khuyến cáo về việc chấm dứt lễ hội chém lợn ở Ném Thượng, truyền thông rầm rộ “nhập cuộc” với việc trưng lên những góc độ khai thác tối đa các hình ảnh phản cảm của tục chém lợn. “Có điều, không hiểu những hình ảnh đó được khai thác từ đâu, vào thời điểm nào.

Nhưng thật bất lợi và phản tác dụng là chính sự “thái quá” của truyền thông đã đẩy người dân Ném Thượng phản ứng lại một cách cũng cực đoan bằng cách quyết định tổ chức lại việc “chém lợn” ngay trong năm 2015..., ông Nguyễn Tử Quỳnh chia sẻ. Được biết do sự việc “bùng lên” vào thời điểm cận tết nên việc vận động, làm việc với cộng đồng có những khó khăn nhất định. Các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ làm việc lại với người dân, với cộng đồng để năm sau không tái diễn việc này nữa, ông Quỳnh cho biết.

Thống nhất với nhận định trên, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đề nghị lãnh đạo và các cơ quan chức năng của tỉnh đồng hành với Bộ nhằm chấn chỉnh, gạn lọc, tiến tới loại bỏ những giá trị, tập tục cũ không còn phù hợp. "Những tập tục truyền thống nhưng không còn phù hợp thì cũng cần phải xem xét, khuyến cáo cộng đồng đó mạnh dạn loại bỏ hoặc thay thế bằng hình thức phù hợp với cuộc sống hôm nay. Tuy nhiên, không thể chỉ bằng các biện pháp hành chính cứng nhắc, tốt nhất là vận động, tuyên truyền, thuyết phục, tránh “đẩy” cộng đồng đến những phản ứng cực đoan”, Bộ trưởng nhấn mạnh và đề nghị các cơ quan truyền thông, báo chí cùng đồng hành với Bộ và địa phương tuyên truyền để cộng đồng và dư luận thấy rõ hướng xử lý hiệu quả nhất.

 
Bộ trưởng trao đổi với người dân tại đền Bà Chúa Kho

Chấn chỉnh các hiện tượng đổi tiền lẻ, đốt vàng mã, vệ sinh môi trường...

Cùng ngày, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã kiểm tra đột xuất tại hai di tích trọng điểm ở Bắc Ninh là chùa Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du) và đền Bà Chúa Kho (phường Vũ Ninh, TP. Bắc Ninh). Tại các điểm di tích này, các nội dung trọng tâm được kiểm tra là công tác tổ chức, quy hoạch di tích; quy hoạch, sắp xếp hàng quán, dịch vụ; vệ sinh môi trường; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người đi lễ; chấn chỉnh hoạt động đổi và sử dụng tiền lẻ tràn lan; đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý tiền công đức...

Tại chùa Phật Tích, một trong bốn di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn, trao đổi với Thượng tọa Thích Đức Thiện (Phó Tổng thư ký Hội đồng Trị sự, Chánh Văn phòng TƯ Giáo hội Phật giáo VN, trụ trì chùa Phật Tích), Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đánh giá cao những nỗ lực của nhà chùa trong giữ gìn, phát huy giá trị di tích nhiều năm qua, đặc biệt trong bảo tồn các hiện vật, bảo vật độc đáo, có một không hai. Bộ trưởng hoan nghênh nhà chùa đã luôn hưởng ứng chủ trương của Bộ về chấn chỉnh, thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự... Chùa Phật Tích cũng là di tích đầu tiên tuyên truyền đến người đi lễ bằng nhiều tờ dán trong khuôn viên nhắc nhở việc không gài tiền lên tượng, không ăn mặc phản cảm... khi lễ cửa chùa.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nêu một số vấn đề nhà chùa cần lưu ý như: quy hoạch hàng quán phía dưới cổng chùa còn lộn xộn, vệ sinh môi trường một số nơi chưa tốt, nước hồ trong di tích bị ô nhiễm... Đồng thời, chú ý công tác bảo vệ ở khu vực phát lộ nền móng tháp cổ tại tòa Tam Bảo, tránh để xảy ra các hiện tượng đáng tiếc trong dịp cao điểm, tuyên truyền người dân không thả tiền xuống khu vực này.

Tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, nhà chùa sẽ tăng cường, bố trí đội ngũ tham gia giữ gìn, bảo vệ không gian di tích; đồng thời thực hiện nghiêm túc chỉđạo tại các Chỉ thị, Công điện, Văn bản của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Bộ VHTTDL. Đối với chủ trương của Bộ về không đổi và sử dụng tiền lẻ tràn lan, chùa Phật Tích đã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở khách hành hương, kết quả mang lại nhiều chuyển biến rõ rệt.

Hoạt động quản lý tiền công đức tại chùa nhiều năm qua cũng luôn đảm bảo công khai, minh bạch, thông qua việc kiểm đếm thường xuyên và quản lý bằng tài khoản lập tại Ngân hàng Nhà nước... Mặt khác, vì là di tích trọng điểm, thu hút đông đảo khách thập phương nên vẫn còn một số điểm cần tiếp tục chấn chỉnh như gìn giữ vệ sinh môi trường, quy hoạch hàng quán, hoàn thiện xây dựng khu vực bãi đỗ xe...

 
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trao đổi với Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh (ngoài cùng bên phải);
Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Hữu Quất và GĐ Sở VHTTDL Nguyễn Văn Phong.


Tại đền Bà Chúa Kho, Bộ trưởng trực tiếp kiểm tra tại các gian thờ tự, phòng quan sát camera và các hoạt động chiêm bái, cúng lễ, đốt vàng mã... Trao đổi nhanh với BQL di tích, Bộ trưởng đánh giá cao những chuyển biến như các hiện tượng đổi tiền lẻ, bán hàng trái phép trong khu vực đền đã giảm; nhiều nỗ lực đảm bảo an toàn, an ninh trật tự; công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự được đẩy mạnh... Bộ trưởng lưu ý, chính quyền địa phương cần quan tâm đến quy hoạch hàng quán ở con đường dẫn vào đền; đầu tư xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn; cơ sở hạ tầng trong khu vực di tích, đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ...

Đối với các vấn đề liên quan đến thực hiện nếp sống văn minh thờ tự, Bộ trưởng yêu cầu chính quyền địa phương và BQL di tích cần tăng cường lực lượng nhắc nhở người đi lễ không đặt tiền lễ bừa bãi, hạn chế đốt quá nhiều vàng mã, không cúng thuê lễ mướn... Năm nay, Bộ VHTTDL chỉ đạo Viện VHNT Quốc gia VN phối hợp với Sở VHTTDL Bắc Ninh xây dựng đề án hạn chế đốt vàng mã tại đền Bà Chúa Kho, Bộ trưởng yêu cầu chính quyền địa phương và BQL di tích cần tích cực nhập cuộc, cùng với Bộ tuyên truyền mạnh mẽ tới nhân dân nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong thời gian tới.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×