Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bình Định: Bảo tồn văn hóa truyền thống, phát triển văn hóa mới

13/04/2023 | 08:33

Từ sự quan tâm đặc biệt của Ðảng bộ, chính quyền, sự chung tay thực hiện của các tầng lớp nhân dân, văn hóa Bình Ðịnh bảo tồn và phát huy tốt những giá trị truyền thống đặc sắc; đồng thời chủ động hội nhập, phát triển các giá trị văn hóa mới.

Bình Định: Bảo tồn văn hóa truyền thống, phát triển văn hóa mới - Ảnh 1.

Đền thờ Đại tư đồ Võ Văn Dũng (xã Tây Phú, huyện Tây Sơn) là công trình văn hóa mới trên địa bàn tỉnh.

Đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu quả quản lý

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức trong Đảng bộ, hệ thống chính trị về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng.

UBND các cấp, các sở, ban, ngành trong tỉnh đẩy nhanh việc thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Tập trung đổi mới, tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa, nhất là các dịch vụ văn hóa.

Việc xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế được các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, địa phương cụ thể hóa thông qua nội quy, quy chế, các quy định chuẩn mực về đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức.

Tổ chức và hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh ngày càng được công khai, minh bạch; thể hiện rõ nhất trong đơn giản hóa thủ tục hành chính, loại bỏ những thủ tục gây phiền hà cho tổ chức và công dân. Các phong trào thi đua cải cách hành chính, xây dựng tác phong công tác chuyên nghiệp trong các cơ quan hành chính nhà nước được đẩy mạnh.

Tỉnh cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa. Hệ thống văn bản quản lý nhà nước về văn hóa được xây dựng khá đầy đủ và đồng bộ, gồm nhiều quyết định, đề án, kế hoạch. Điển hình như: Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh từ 2011-2020; Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hát bội và bài chòi trên địa bàn tỉnh từ 2017-2020; Đề án bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030…

Cơ chế, chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật của tỉnh được quan tâm hơn trong những năm qua. Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện các giải pháp tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa. Chỉ tính giai đoạn 2014-2019, tổng vốn đầu tư cho văn hóa đã lên đến hơn 234 tỷ đồng.

Văn hóa phát triển sâu rộng

Thời gian qua, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh được nâng cao chất lượng, hiệu quả và phong phú, đa dạng.

Đến nay, toàn tỉnh có 139 di tích được xếp hạng, trong đó 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 34 di tích cấp quốc gia, 103 di tích cấp tỉnh. Từ các nguồn kinh phí, nhiều di tích lịch sử - văn hóa đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tạ Xuân Chánh, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa phi vật thể đã gặt hái nhiều thành quả. Võ cổ truyền, hát bội, bài chòi Bình Định được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, bài chòi dân gian Bình Định có nhiều đóng góp quan trọng trong Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESO vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Võ cổ truyền Bình Định đang được xây dựng hồ sơ khoa học, trình Chính phủ đề cử UNESCO xem xét vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nhiều phong trào văn hóa đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH tỉnh. Nổi bật là phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" được triển khai rộng khắp và phát huy hiệu quả thiết thực. 

Hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế cũng chuyển biển tích cực. Trong đó, Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định qua nhiều kỳ tổ chức đã góp phần giới thiệu những nét đặc sắc của văn hóa và con người Bình Định với bạn bè trong nước và quốc tế. Đối ngoại về văn hóa trong nhiều năm qua được đẩy mạnh hơn. Theo Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Thái Bình, năm 2022, Sở đã phối hợp, kết hợp với các ngành liên quan thường xuyên tổ chức tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hóa phi vật thể (võ cổ truyền, bài chòi, hát bội), các di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh cùng với các tiềm năng, lợi thế, cơ hội hợp tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch cho các đối tác nước ngoài thông qua các hội nghị, hội thảo tổ chức trong và ngoài tỉnh

Theo Báo Bình Định

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×