Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bến Tre: Củng cố chất lượng môi trường, hoạt động đò chèo du lịch

22/01/2024 | 07:59

Đò chèo du lịch (DL) là sản phẩm quen thuộc của DL sinh thái, sông nước xứ Dừa. Đò chèo DL tập trung ở khu vực huyện Châu Thành và TP. Bến Tre, với các tuyến rạch dừa nước đẹp và bình yên. Thời gian qua, dưới tác động của nhiều yếu tố môi trường, một số tuyến đò chèo DL trên địa bàn bị ảnh hưởng, không còn phù hợp phục vụ du khách. Đối với một số tuyến khác thì chất lượng cầu tàu chưa đảm bảo. Đoàn công tác của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cùng các đơn vị liên quan đã khảo sát, có báo cáo tình hình cụ thể và đề xuất, kiến nghị đến các ngành, địa phương để quản lý tốt hơn.

Bến Tre: Củng cố chất lượng môi trường, hoạt động đò chèo du lịch - Ảnh 1.

Tuyến đò chèo du lịch tại địa bàn huyện Châu Thành.

Kiểm tra các tuyến đò chèo du lịch

Trên địa bàn TP. Bến Tre hiện khai thác 4 tuyến đò chèo: Tuyến từ cầu Ngang đến cầu Nhà Việc (xã Phú Nhuận), từ cầu Ngang đến cầu Phú Nhuận (xã Phú Nhuận), từ bến tàu chợ Nhơn Thạnh vô điểm DL Mười Nở (xã Nhơn Thạnh), từ rạch Tư Trăng ra rạch Cái Sơn (xã Nhơn Thạnh). Sở VHTT&DL đã tiến hành khảo sát tuyến từ cầu Ngang đến cầu Nhà Việc và tuyến từ cầu Ngang đến cầu Phú Nhuận. Đây là tuyến đò chèo đang được một số doanh nghiệp (DN) lữ hành của tỉnh khai thác phục vụ khách DL. Tuy nhiên, trong thời gian đóng cống ngăn mặn, tuyến đò chèo này thường xuyên bị ô nhiễm do các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh thạch dừa xả thải ra dòng sông. Có thời điểm nước sông chuyển màu đen bốc mùi hôi gây ảnh hưởng đến hoạt động DL. Trước tình hình ô nhiễm này, các DN lữ hành cũng đã chủ động nghiên cứu thay đổi đường tour đò chèo từ địa bàn xã Phú Nhuận sang địa bàn xã Nhơn Thạnh để khai thác đường tour mới phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế. Ngoài ra, tuyến từ bến tàu chợ Nhơn Thạnh vô điểm DL Mười Nở và tuyến từ rạch Tư Trăng ra rạch Cái Sơn đang phát huy hiệu quả tốt, môi trường nước không bị ô nhiễm.

Trên địa bàn huyện Châu Thành hiện khai thác 6 tuyến đò chèo, gồm: Tuyến từ cống Cái Chuối đến DL Vườn Dâu (xã An Khánh), từ cống cầu Chợ đến DL Việt Nhật, từ cống cầu Chùa đến DL Thanh Thanh 2 (xã Tân Thạch); từ cống Vàm Nhựa đến DL Xứ Dừa, từ cống Phú Thành đến DL Quê Dừa (xã Quới Sơn); từ Sông Nhỏ đến DL Thanh Thủy (xã Phước Thạnh). Qua khảo sát của Sở VHTT&DL cho thấy, tuyến từ cống Cái Chuối đến DL Vườn Dâu vẫn duy trì hoạt động, phát huy hiệu quả tốt, không bị ô nhiễm. Các hộ kinh doanh nắm được thông tin thời gian đóng, mở cống. Tuy nhiên, cầu tàu phục vụ đò chèo chưa đảm bảo an toàn, chưa khai thác công năng cầu tàu của cống ngăn mặn. Tuyến từ cống cầu Chợ đến DL Việt Nhật, cống cầu Chùa đến DL Thanh Thanh 2) đang phát huy hiệu quả tốt, môi trường không bị ô nhiễm, hộ kinh doanh nắm được thông tin thời gian đóng, mở cống, đã thích nghi và điều chỉnh hướng hoạt động đò chèo phục vụ du khách khi đóng cống.

Theo đánh giá qua khảo sát của đoàn công tác, tình trạng ô nhiễm môi trường còn xảy ra trên một số tuyến sông, rạch do việc đóng cống ngăn mặn, trữ ngọt và một bộ phận người dân, cơ sở kinh doanh chưa có ý thức trong việc chấp hành và thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đã gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị kinh doanh DL. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng, cầu tàu phục vụ cho lên xuống, khách đi đò chèo… chưa được đầu tư đúng mức. Một số chủ phương tiện và đò chèo chưa chấp hành và thực hiện tốt việc trang bị áo phao, nhằm đảm bảo an toàn cho du khách. Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh DL gặp khó khăn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thuê sử dụng phần đất mặt nước (đất bãi bồi quanh các cồn), nhất là các điểm có hoạt động về bến thủy nội địa.

Sau thời gian dài bị ảnh hưởng và tác động của đại dịch Covid-19, các đơn vị kinh doanh DL cũng gặp nhiều khó khăn như: các phương tiện phục vụ (đò lớn, đò chèo…) xuống cấp; việc tìm kiếm nguồn lao động gặp khó khăn. Sự phối hợp giữa các ngành và các địa phương có lúc, có nơi vẫn còn mặt hạn chế, đôi lúc thiếu chặt chẽ. Nhiều hoạt động dịch vụ tự phát làm phá vỡ cảnh quan, môi trường, không phù hợp theo quy hoạch phát triển DL của tỉnh.

Để hạn chế tình trạng ô nhiễm do đóng cống ngăn mặn, các địa phương đều có thông báo về thời gian đóng, mở cống ngăn mặn đến các đơn vị kinh doanh DL biết để chủ động sắp xếp, thiết kế xây dựng đường tour đò chèo phục vụ khách DL cho phù hợp. Các DN kinh doanh dịch vụ lữ hành đã chủ động nghiên cứu thay đổi đường tour đò chèo, khai thác đường tour mới phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế.

Bảo vệ môi trường du lịch

Sở VHTT&DL đề nghị Sở Giao thông vận tải quan tâm hỗ trợ các địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng như: cầu tàu, đường nội bộ kết nối các điểm DL, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, bảo đảm an toàn cho khách DL khi tham gia giao thông, nhất là tại những điểm nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương lắp đặt biển chỉ dẫn theo quy định, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách DL tiếp cận đến điểm tham quan DL trên địa bàn tỉnh được thuận lợi.

Bên cạnh đó, sở còn đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre xem xét, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương được khai thác, vận hành công năng cầu tàu của cống ngăn mặn kết hợp phục vụ DL (cống ngăn mặn rạch Cái Chuối, xã An Khánh, huyện Châu Thành).

Các đơn vị có liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư chấp hành và thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Xử lý rác bảo vệ môi trường tại các kênh, rạch khai thác đò chèo phục vụ DL. Chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác thải, nước thải ra các sông, kênh, rạch làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, địa phương, vận động xã hội hóa và các nguồn vốn khác quan tâm đầu tư nạo vét các tuyến sông, kênh, rạch để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, cơ sở kinh doanh DL khai thác có hiệu quả các tuyến đò chèo, nhằm phục vụ và thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan DL tại tỉnh ngày càng nhiều hơn. Các DN, cơ sở sản xuất thạch dừa cần chấp hành và thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định có liên quan trong quá trình hoạt động kinh doanh, góp phần bảo vệ môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Thực hiện kế hoạch phối hợp giữa Sở VHTT&DL, Sở Tài nguyên và Môi trường trong nâng cao năng lực bảo vệ môi trường gắn với phát triển DL trên địa bàn tỉnh, vừa qua các điểm DL (di tích, homestay, điểm vui chơi, dịch vụ ẩm thực, cơ sở lưu trú, điểm đến) tại TP. Bến Tre và huyện Thạnh Phú đã bố trí, lắp đặt được 21 áp phích tuyên truyền bảo vệ môi trường trong lĩnh vực DL. Bảo vệ môi trường DL cũng chính là một trong các nhiệm vụ trọng tâm mà ngành DL tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, tập trung thực hiện trong năm 2024.

Theo Báo Đồng Khởi

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×