Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bảo tồn thích nghi di tích đàn Âm Hồn ở Kinh thành Huế

10/08/2023 | 09:54

Ngày 8.8, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, đơn vị sẽ tiến hành triển khai dự án bảo tồn, tôn tạo và phục hồi thích nghi di tích đàn Âm Hồn (số 73 Ông Ích Khiêm, phường Thuận Hòa, TP Huế). Đây là công trình di tích được xây dựng dưới triều Nguyễn, gắn với sự kiện lịch sử thất thủ Kinh đô Huế 1885.

Bảo tồn thích nghi di tích đàn Âm Hồn ở Kinh thành Huế - Ảnh 1.

Phối cảnh di tích đàn Âm Hồn khi bảo tồn, tôn tạo và phục hồi thích nghi

Theo đó, phạm vi dự án sẽ triển khai trên diện tích 1.159m2, với quy mô bảo tồn, phục hồi thích nghi các hạng mục như: Phục hồi đàn tế với diện tích 9,2m x 9,2m và nâng cao hơn 0,83m so với nền sân xung quanh; bảo tồn nhà để đồ tự khí (Thần khố) với lối kiến trúc nhà gỗ 3 gian; cổng và tường rào bảo vệ di tích với tường cao 1,98m bao quanh 3 mặt khuôn viên, cổng vào có 4 trụ; tôn tạo bia bằng đá tưởng niệm cao 1,28m và lư đồng; tôn tạo hệ thống sân và đường giao thông nội bộ, cây xanh cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật…

Đồng thời, phục hồi, phối trí nội thất gồm 3 án thờ bằng gỗ hương sơn son thếp bạc phủ hoàng kim, phục chế các đồ thờ khác phục vụ tế lễ và thờ tự. Thời gian thực hiện dự án trong vòng 2 năm. Đàn Âm Hồn được xây dựng vào năm 1894 dưới triều vua Thành Thái, nhằm thờ cúng những quan binh và đồng bào đã tử nạn trong biến cố thất thủ Kinh đô 1885 (nhằm 23.5 năm Ất Dậu). Vị trí của đàn Âm Hồn nằm ở khu vực trại lính Thần Cơ (một đơn vị pháo binh của triều Nguyễn), đây cũng là nơi có nhiều binh sĩ triều đình đã ngã xuống trong biến cố 23.5 Ất Dậu. Qua những sử liệu và mô tả từ các nhân chứng lịch sử, đàn tế Âm Hồn có dạng hình vuông nằm lộ thiên và một nhà gỗ ba gian bốn mái, lợp ngói. Ngôi nhà này với chức năng là nơi để đồ tự khí, nhưng thực tế được phối trí như một miếu thờ; trong đó, có đặt các án thờ Thành hoàng, các vị quan, binh lính… đã ngã xuống vì đất nước trong cuộc chính biến Ất Dậu 1885. Từ sau năm 1975, đàn Âm Hồn trải qua nhiều biến động, trong thời gian dài, khu đất này đã sử dụng sai mục đích khiến di tích biến dạng và không còn dấu tích trên thực địa.

Sau khi giải phóng mặt bằng ở khu vực di tích này, nhiều năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã tổ chức tái hiện lễ tế Âm Hồn vào dịp kỷ niệm sự kiện thất thủ Kinh đô (23.5 âm lịch), nhân dân địa phương cũng tổ chức các hoạt động lễ cúng, tri ân và tưởng nhớ đồng bào đã tử nạn.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×