Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bảo tàng tỉnh Hậu Giang: Phát huy, nâng tầm di tích

20/08/2022 | 17:31

Làm nhiệm vụ giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử ở các khu di tích, Bảo tàng tỉnh Hậu Giang có nhiều hoạt động nổi bật, sáng kiến mở rộng phạm vi phục vụ, mang đến cho người dân nhiều trải nghiệm mới.

Bảo tàng tỉnh Hậu Giang: Phát huy, nâng tầm di tích - Ảnh 1.

Thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh Hậu Giang được trang bị đầy đủ, nâng cao trình độ chuyên môn, để làm tốt nhiệm vụ

Phục vụ đa dạng

Từ đầu năm đến nay, kênh YouTube Bảo tàng tỉnh Hậu Giang ra mắt và lần lượt các di tích lịch sử được chuyển tải trên kênh này. 9 di tích lịch sử tiêu biểu trong tỉnh được thực hiện bằng những video để giới thiệu, quảng bá, như Di tích lịch sử Chiến thắng Chương Thiện, Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, Tiểu đoàn Tây Đô, Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, Đền thờ Bác Hồ, Chiến thắng Vàm Cái Sình, Chiến thắng Tầm Vu, Ủy ban Liên hiệp Đình chiến Nam bộ...

Đây là cách làm sáng tạo, mới mẻ, mở rộng phạm vi người xem và mong muốn kết nối, tạo thêm nhiều cơ hội để những người không có điều kiện xem trực tiếp, vẫn có thể tìm hiểu về lịch sử vùng đất Hậu Giang, những chiến công của quân và dân Hậu Giang qua các thời kỳ... đơn vị đang tiếp tục thực hiện các video các di tích còn lại, để hoàn tất bộ sưu tập về di tích, những điểm đến thú vị, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh Hậu Giang đến với mọi người.

Bảo tàng tỉnh còn thực hiện gần 50 cuộc triển lãm thường xuyên, lưu động với nhiều chuyên đề: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam - Những mốc son lịch sử... Tiếp hàng trăm đoàn khách đến tham quan, học tập, tìm hiểu về các di tích trên địa bàn.

Ông Lê Thành Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, thông tin: “Kỳ vọng của chúng tôi là xây dựng bảo tàng ảo để phục vụ mọi người, đây là câu chuyện đường dài, cần nhiều yếu tố. Nhưng tôi nghĩ, phải thực hiện nếu muốn quảng bá sâu rộng bằng những hình ảnh đẹp, chất lượng để phục vụ du khách, người dân. Cùng với đó, việc tạo điều kiện để Bảo tàng tỉnh có cơ ngơi độc lập, đủ không gian tổ chức triển lãm nhiều chuyên đề là vấn đề cần được chú ý. Những năm qua, đã có hàng ngàn hiện vật được bổ sung vào các bộ sưu tập, nếu cứ cất giữ mãi thì thật là phí”.

Nâng tầm, phát huy giá trị di tích

Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên môn, đảm bảo đảm trách từng phần việc, để phục vụ là điều đơn vị đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện. Đội ngũ này là những người có trình độ đại học, được tạo điều kiện học chuyên ngành, tập huấn chuyên môn thường xuyên, đảm bảo đủ trình độ, kỹ năng, đáp ứng nhu cầu công việc.

Chị Lê Ngọc Duyên, thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh, chia sẻ: “Làm thuyết minh nhiều năm, nhưng tôi vẫn phải luôn tìm tòi, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, có thêm nhiều kiến thức để bổ trợ cho việc thuyết minh. Mới đây, tôi cũng được tạo điều kiện tham gia lớp tập huấn về thuyết minh, thấy mình vẫn cần phải hoàn thiện nhiều để đảm trách công việc một cách tốt nhất”. Việc này đã góp phần tạo nên chất lượng đội ngũ, không chỉ đảm đương nhiệm vụ chuyên môn mà còn nâng tầm kỹ năng, đảm bảo việc sưu tầm, lập hồ sơ khoa học xếp hạng các di tích, sưu tầm, viết lý lịch cho hiện vật, kiểm kê các di sản văn hóa trong tỉnh được thực hiện bài bản, có chiều sâu, chất lượng.

Từ đầu năm đến nay, Bảo tàng tỉnh hoàn chỉnh nhiều hồ sơ để đề nghị UBND tỉnh công nhận một số di tích lịch sử cấp tỉnh trên địa bàn. Trong đó, có Di tích lịch sử chùa Phổ Minh được công nhận, nâng tổng số di tích lịch sử trong tỉnh là 16 di tích (7 di tích lịch sử cấp tỉnh, 8 di tích lịch sử cấp quốc gia và 1 di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt).

Một số di tích khác sắp được công nhận: Di tích Căn cứ tiền phương Khu ủy, Quân Khu ủy Khu 9, Di tích Nơi ở và sinh sống thời niên thiếu của Cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ giai đoạn 1917-1920 tại xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, Di tích Trận chiến pháo binh tại Vịnh Chèo năm 1974…

Ông Lê Thành Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết thêm: “Chúng tôi đã có nhiều nỗ lực để hoàn tất hồ sơ, đúng quy trình, thủ tục trong phạm vi, trách nhiệm của mình. Điều chúng tôi vui nhất là sẽ có thêm nhiều di tích lịch sử mới, đồng nghĩa với việc có thêm nhiều điểm đến. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt nhất có thể để phát huy hệ thống di tích trên địa bàn, tạo dấu ấn riêng, thu hút du khách, góp chút sức phát triển du lịch tỉnh”.

Theo Báo Hậu Giang

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×