Văn hóa

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố “Khai trương hoạt động của Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”

20/09/2010 | 11:13

Toàn văn bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tại Lễ “Khai trương hoạt động của Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam”.

Thưa đồng chí Nông Đức Mạnh Tổng Bí thư BCH TW Đảng CSVN,

Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam,

Thưa các vị khách quốc tế,

Thưa các vị đại biểu,

Thưa đồng bào, đồng chí,

          Hôm nay, trong không khí cả nước ta sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, chúng ta rất vui mừng tụ hội về đây để tổ chức Lễ Khai trương hoạt động của Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam - “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em Việt Nam. Thay mặt Chính phủ, tôi nhiệt liệt chào mừng quý vị, các già làng, trưởng bản, nhân sĩ, trí thức, nghệ nhân và đồng chí, đồng bào đã tới dự buổi Lễ long trọng và rất có ý nghĩa hôm nay. Nhân dịp này tôi xin gửi lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến cộng đồng 54 dân tộc anh em Việt Nam chúng ta.

Thưa quý vị,

Thưa  đồng bào, đồng chí,

Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, 54 dân tộc anh em Việt Nam đã gắn bó keo sơn, đoàn kết một lòng, chung một khát vọng độc lập, tự do, mưu cầu hạnh phúc, đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, hy sinh, cống hiến to lớn về sức người, sức của và cả máu xương của mình cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng tổ quốc. Đặc biệt là từ khi có Đảng lãnh đạo, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, 54 dân tộc anh em Việt Nam đã tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, thuỷ chung son sắt, chung một ý chí theo Đảng, theo Cách mạng và đã giành được những thắng lợi vĩ đại, tô thắm thêm lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, đất nước ta, đó là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên của độc lập tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, xây dựng một nước Việt Nam phát triển nhanh, bền vững ngày nay.  

Trong suốt chặng đường lịch sử đầy gian khổ hy sinh nhưng vô cùng vẻ vang ấy, các thế hệ cộng đồng 54 dân tộc anh em Việt Nam đã không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc nền văn hóa Việt Nam - một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, tiên tiến và đậm đà bản sắc Việt Nam, hội tụ, hòa quyện và toả sáng những phẩm chất, tinh hoa văn hóa của các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam và tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới. Những thành tựu này đã góp phần làm cho bạn bè trên thế giới biết đến Việt Nam không chỉ như một tấm gương về đấu tranh anh dũng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, một Việt Nam hội nhập và phát triển thành công, có khả năng chinh phục những đỉnh cao của khoa học, nghệ thuật mà còn là một Việt Nam có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều công trình văn hoá vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên, di sản văn hoá nổi tiếng cả thế giới biết đến và công nhận như: Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Cố đô Huế, Khu phố cổ Hội An, Khu Đền - Tháp Mỹ Sơn, Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian Văn hóa Cồng - Chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca Trù, Văn bia Tiến sỹ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội và Mộc bản Triều Nguyễn và đặc biệt, ngày 1 tháng 8 năm 2010 - Di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long đã được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Thưa quý  vị,

Thưa đồng bào, đồng chí,

Trong nhiều thập kỷ qua, nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng thực hiện nhất quán chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; đồng thời, quan tâm chăm lo phát triển văn hóa, khẳng định văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước và luôn quan tâm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Các cơ chế chính sách và giải pháp phát triển văn hoá ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với đặc thù của các vùng, miền, các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Phát triển Văn hoá đến năm 2020, nhằm phát triển đồng bộ các lĩnh vực, trong đó tập trung vào xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có lối sống văn hoá và tích cực xây dựng môi trường văn hoá; bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc, văn hoá các dân tộc thiểu số; phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật; đẩy mạnh giao lưu văn hoá với thế giới; xây dựng thể chế và thiết chế văn hoá. Xác định việc xây dựng và phát triển văn hoá là sự nghiệp chung của toàn dân. Cùng với việc tăng cường đầu tư của Nhà nước, thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hoá các hoạt động văn hoá để huy động các nguồn lực cho phát triển.

Việc Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể và đầu tư xây dựng Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một việc làm thiết thực, biểu hiện sinh động thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về phát triển văn hoá. Đây là một công trình rất có ý nghĩa, hình thành một trung tâm hoạt động giao lưu văn hoá, thể thao và du lịch mang tầm vóc quốc gia, là nơi tập trung tái hiện, giữ gìn, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống và đặc sắc nhất của 54 dân tộc anh em Việt Nam; đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hoá, thể thao của nhân dân trong nước và du khách quốc tế. Đồng thời, đây cũng là một địa điểm để giới thiệu các giá trị văn hóa nổi tiếng của nhân loại, nơi giao lưu, trao đổi văn hóa giữa Việt Nam với các quốc gia, các nền văn hóa thế giới.

Để có sự kiện Khai trương hoạt động Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam rất có ý nghĩa ngày hôm nay, thay mặt Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công nhân viên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của chính quyền địa phương trong cả nước và thành phố Hà Nội, đặc biệt là đại diện cộng đồng các dân tộc Việt Nam, các nghệ nhân đã nỗ lực và tích cực tham gia ngay từ đầu vào quá trình đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Thưa quý vị,

Thưa đồng bào, đồng chí,

Đến nay, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã kết thúc giai đoạn I, với việc cơ bản hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung và đưa vào hoạt động một phần Khu các làng dân tộc để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Theo kế hoạch đã phê duyệt, đến năm 2015, toàn bộ dự án sẽ được hoàn thành. Sau ngày hôm nay, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Cùng với việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện toàn bộ không gian văn hóa của 54 dân tộc anh em Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp chặt chẽ với các Ban, Bộ, ngành, các địa phương và thành phố Hà Nội chỉ đạo và phối hợp với Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi và thu hút đầu tư vào các dự án, các khu chức năng như: Khu Trung tâm thể thao và vui chơi giải trí; khu di sản văn hóa thế giới; khu dịch vụ du lịch tổng hợp; khu công viên, bến thuyền và khu mặt nước hồ Đồng Mô…

Tôi mong rằng thủ đô Hà Nội, các địa phương trong cả nước, các dân tộc anh em trên mọi miền đất nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát huy tốt vai trò chủ thể văn hoá của mình, tham gia tích cực vào việc xây dựng và sáng tạo không gian văn hoá, hoàn thiện cơ chế phối hợp để quản lý khai thác vận hành có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch của các tầng lớp nhân dân, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Làm tốt việc này cũng sẽ góp phần thiết thực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta, mà Người đã viết trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, ngày 19 tháng 4 năm 1946, tại Pleiku: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ gìn quyền tự do độc lập của chúng ta…”

Với tinh thần đó, tôi tin tưởng rằng, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên đất nước ta sẽ phát huy vai trò của một trung tâm hoạt động và giao lưu văn hoá, thể thao, du lịch quốc gia và quốc tế, xứng đáng là địa chỉ tin cậy để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững của đất nước.

Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi chân thành cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ quí báu của chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung và sự nghiệp phát triển văn hóa nói riêng và đặc biệt là sự hợp tác giúp đỡ của UNESCO.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi tuyên bố: “Khai trương hoạt động của Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”.

          Xin chúc quí vị đại biểu, đồng bào, đồng chí, sức khoẻ, hạnh phúc, thành công.

Xin trân trọng cảm ơn./.

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×