Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bạc Liêu: Khai mạc Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2016

14/09/2016 | 11:41

Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2016 vừa chính thức khai mạc vào tối 12/9 tại Quảng trường Hùng Vương, thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu).

Chương trình khai mạc được mở màn với bài ca múa Âm sắc Bạc Liêu, đưa người xem từ mọi miền đất nước về với Bạc Liêu - một miền quê sông nước hữu tình, nên thơ, lộng lẫy sắc màu. Đó cũng là nơi sản sinh ra bản Dạ cổ hoài lang.

Tiết mục biểu diễn trong đêm khai mạc. (Ảnh: báo Nhân dân)
Xuyên suốt chương trình đêm khai mạc là các tiết mục thể hiện rõ quá trình ra đời và phát triển của bản Dạ cổ hoài lang được sân khấu hóa, qua các tác phẩm: Chuyện tình dạ cổ, Văng vẳng tiếng chuông chùa, Chiều trên đồng muối Kinh Tư, Chút tình Dạ cổ hoài lang… do các nghệ sĩ, ca sĩ như: nghệ sĩ ưu tú Phượng Loan, nghệ sĩ Ngọc Đợi, Ngọc Hoa… biểu diễn.

Đêm khai mạc Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2016 diễn ra đầy sắc màu, đậm chất văn hóa độc đáo của Bạc Liêu, vùng đất mến khách, đậm tình nơi cuối trời Tổ quốc.

Lễ hội Dạ cổ hoài lang diễn ra từ ngày 12 - 15/9 (tức ngày 12 - 15/8 âm lịch) tại thành phố Bạc Liêu và một số huyện, thị trên địa bàn tỉnh với các hoạt động chính như: Lễ dâng hương tại khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu; Khai mạc lễ hội “Dạ cổ hoài lang”; Lễ giỗ tổ sân khấu cải lương; Bế mạc lễ hội “Dạ cổ hoài lang”.

Ngoài ra, còn có một số hoạt động vui chơi, giải trí như: Hội chợ công nghiệp-thương mại tỉnh Bạc Liêu; Hội thi ẩm thực; Liên hoan Đờn ca tài tử 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau mở rộng; Thi đối đáp bản “Dạ cổ hoài lang”, vọng cổ, ca cổ, hò, vè, thơ ca; Chương trình công diễn trao giải thưởng Liên hoan Đờn ca tài tử…

Lễ hội “Dạ cổ hoài lang” 2016 được tổ chức nhân kỷ niệm 97 năm ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang. Đây là hoạt động nhằm tôn vinh giá trị diệu kỳ của bản Dạ cổ hoài lang; là tấm lòng của người Bạc Liêu, của giới nghệ nhân, nghệ sĩ cổ nhạc tri ân các bậc tiền nhân, trong đó có cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - cha đẻ của bản Dạ cổ hoài lang, người đặt nền móng cho quá trình ra đời, phát triển bản vọng cổ Bạc Liêu và sân khấu cải lương Nam bộ, một loại hình nghệ thuật độc đáo sống mãi với thời gian và không gian.

Kim Anh (tổng hợp)


Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×