Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bắc Giang: Đầu tư nguồn lực, tăng trách nhiệm quản lý, tôn tạo di tích

25/02/2021 | 07:13

Với việc huy động nhiều nguồn lực đầu tư tôn tạo, tu bổ, nhiều di tích, nhất là các di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã phát huy giá trị, trở thành những điểm đến hấp dẫn du khách gần, xa.

Tiếng lành vang xa

Kể từ khi Địa điểm chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang) được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt cuối năm 2019, nơi đây đã thu hút nhiều đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 song nơi đây vẫn đón hơn 10 nghìn khách tham quan, trong đó có hơn 120 đoàn học sinh ở trong tỉnh và một số tỉnh bạn như Lạng Sơn, Bắc Ninh.

Bắc Giang: Đầu tư nguồn lực, tăng trách nhiệm quản lý, tôn tạo di tích - Ảnh 1.

Du khách vãn cảnh chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên (Yên Dũng).

Học sinh đến đây được nghe hướng dẫn viên giới thiệu tóm tắt về trận chiến Xương Giang; xem ảnh, hiện vật tại khu di tích, phim hoạt hình về chiến thắng Xương Giang; thưởng thức dân ca quan họ, ca trù; tham gia trò chơi dân gian; nhiều trường tổ chức kết nạp học sinh vào đoàn, đội tại khu di tích. Ông Giáp Văn Quý, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Bắc Giang cho biết, ngoài nguồn hỗ trợ của tỉnh, hằng năm TP đều bố trí ngân sách để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích; đồng thời đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu để hút khách du lịch.

Chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) gần đây trở thành điểm thu hút hàng vạn du khách mỗi năm. Nghệ thuật kiến trúc cùng giá trị đặc sắc, độc đáo của kho mộc bản được UNESCO công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã thu hút đông đảo khách tham quan, trong đó có số lượng lớn học sinh, chuyên gia đến tìm hiểu, nghiên cứu.

Toàn tỉnh hiện có hơn 700 di tích được xếp hạng, trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 100 di tích quốc gia, còn lại là di tích cấp tỉnh. Từ năm 2010 đến nay có gần 500 di tích được tu bổ, tôn tạo với kinh phí gần 150 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống được phục hồi, tổ chức tại di tích góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, lòng yêu nước đối với thế hệ trẻ. Không ít di tích đã được đông đảo nhân dân, du khách, phật tử gần xa biết đến, trở thành điểm tham quan hấp dẫn, như: Chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Bổ Đà (Việt Yên), Địa điểm chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang), Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế... Qua đó, vẻ đẹp về vùng đất, con người Bắc Giang ngày càng được quảng bá, lan tỏa.

Nâng tầm giá trị

Mới đây, UBND tỉnh ban hành Đề án "Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2030". Một trong những mục tiêu của Đề án đề ra đó là ưu tiên bảo tồn các di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh; các di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia; hệ thống di tích thời Lý - Trần gắn với Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử trên địa bàn tỉnh. Riêng giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có khoảng 200 di tích lịch sử, văn hóa được tu bổ, tôn tạo, 2-3 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 5-7 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 25 - 30 di tích xếp hạng cấp tỉnh.

Hiện một số huyện cũng có chủ trương tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị di tích. Đơn cử như huyện Hiệp Hòa, năm 2021, ngoài việc bố trí nguồn từ ngân sách (500 triệu đồng), huyện đề xuất và được T.Ư, tỉnh quan tâm bố trí nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo một số điểm di tích quốc gia đặc biệt ATK II và di tích cấp quốc gia như: Đình Xuân Biều, xã Xuân Cẩm; khu nhà lưu niệm ATK II, xã Hoàng An; chùa Y Sơn, xã Hòa Sơn với gần 40 tỷ đồng. Tới đây, UBND huyện chỉ đạo thành lập ban quản lý di tích để làm tốt hơn công tác quản lý theo quy định của nhà nước; xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch tâm linh, sinh thái dọc tuyến sông Cầu trên địa bàn các xã ATK II.

Theo Đề án "Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021- 2030", trong 5 năm (2021-2025), toàn tỉnh có khoảng 200 di tích lịch sử, văn hóa được tu bổ, tôn tạo; 2-3 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 5 -7 di tích được xếp hạng quốc gia, 25 - 30 di tích xếp hạng cấp tỉnh.

Hay như huyện Việt Yên, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà với diện tích hơn 127 ha đầu năm 2021, UBND huyện đã lên kế hoạch triển khai các bước tiếp theo. Ông Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, UBND huyện sẽ tích cực phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Trước mắt tập trung triển khai thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo các hạng mục: Sân, cổng, tường rào, xây dựng cổng tam quan, phục dựng tường bao bằng đất, cải tạo khu vực sân vườn, các bồn hoa khu vực cổng chùa, tạo cảnh quan cho du khách đến tham quan, chiêm bái, lễ phật.

Ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản cũng như nâng cao ý thức bảo vệ di sản của người dân. Tổ chức các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng nhằm phát huy giá trị di tích phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần lành mạnh của nhân dân. Cùng đó, bồi dưỡng nghiệp vụ, tăng tính chuyên nghiệp cho đội ngũ hướng dẫn viên ở các khu, điểm di tích. Làm tốt công tác quảng bá để thu hút khách tham quan.

Theo Báo Bắc Giang

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×